Lượt xem: 3753

Cù Lao Dung – đánh thức tiềm năng du lịch

Cù Lao Dung là một huyện cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hậu, được bao bọc bởi bốn bề sông nước, hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật phong phú, hấp dẫn. Ngoài ra, Cù Lao Dung còn được biết là vùng đất anh hùng, có truyền thống đấu tranh cách mạng và Đền thờ Bác và bài ca Du kích Long Phú là sự minh chứng, thể hiện tấm lòng kiên trung của quân dân Sóc Trăng đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và truyền thống kháng chiến đánh thực dân đế quốc.

    Trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú, năm 2002, huyện Cù Lao Dung được thành lập có diện tích tự nhiên là 26.143,22 ha và dân số 64.452 người. Huyện có địa giới giáp các tỉnh, huyện: Phía Đông tiếp giáp tỉnh Trà Vinh; phía Tây giáp huyện Long Phú và huyện Trần Đề; phía Nam giáp biển Đông phía Bắc giáp huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh).


Trải nghiệm bãi biển An Thạnh Nam.

 

    Được bao quanh bởi sông Hậu (gồm 2 cửa sông Định An, Trần Đề) và biển Đông, với đường bờ biển dài 17 km, huyện Cù Lao Dung có hệ thống sông, rạch tự nhiên khá nhiều, không khí trong lành, mát mẽ quanh năm, thuận tiện cho phát triển hệ thống vườn cây ăn trái đặc sản ở các xã đầu cù lao; nuôi tôm, nghêu, cua, trồng nhãn ở các xã ven biển. Huyện còn có tài nguyên biển rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt, hơn 1.200 ha rừng phòng hộ của huyện cùng bãi bồi hàng chục ngàn héc ta, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các hoạt động vui chơi giải trí trên biển.

    Về văn hóa, lịch sử, cách nay khoảng 200 năm, huyện đảo chỉ là vùng cù lao nhỏ đa số ngập nước, có nhiều thú rừng như cọp, heo rừng, khỉ, rái cá, trăn, rắn, nhiều loài giáp xác, nhuyển thể khác. Đầu thế kỷ XX, thống kê huyện chỉ có trên 2.000 người sống tập trung ở 2 làng An Thạnh Nhất và An Thạnh Nhì. Dần dần, vùng cù lao ngày càng mở rộng lấn ra biển Đông, người dân ở đất liền 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh sang khai phá, lập nghiệp ở vùng đất mới. Huyện vinh dự có 1 di tích cấp quốc gia là Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông và 3 di tích cấp tỉnh. Huyện có 2 đình thần Nguyễn Trung Trực, 3 ngôi chùa Bắc tông và 1 ngôi chùa Nam tông, cùng 1 Thánh thất Cao Đài và 1 nhà thờ, 1 nhà nguyện. Huyện đảo còn có truyền thuyết về chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) về vùng cù lao ẩn nấp trốn quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh đuổi vào những năm cuối thế kỷ XVIII, nên ngày nay còn có các địa danh rạch Long Ẩn và rạch Trường Tiền ở đầu cồn. Ở cuối cồn, thuộc xã An Thạnh Nam lại có truyền thuyết về Sân Tiên đầy hấp dẫn.

    Xác định được vị trí, địa lý và tiềm năng phát triển du lịch của huyện Cù Lao Dung, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành kết hợp với huyện, quan tâm kêu gọi đầu tư và khai thác các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với loại hình du lịch cộng đồng, nhằm tạo ra loại hình văn hóa đặt trưng của vùng sông nước.


Chuẩn bị đạp xe tham quan bìa rừng An Thạnh Nam.

 

    Huyện đã tiếp nhận Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng là chủ đầu tư và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị thực hiện. Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 10 - 2018 cho đến nay (tháng 12 - 2020). Dự án này tập trung 10 hộ ở xã An Thạnh Nhất và 3 hộ ở An Thạnh Nam (ngoài ra, còn có 8 hộ thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách). Các hộ này đã được tập huấn, bồi dưỡng 6 lớp về chuyên môn nghiệp vụ và được khảo sát học tập kinh nghiệm các mô hình về du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay tại các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở xã An Thạnh Nhất tập trung vào 02 điểm là làng du lịch Trường Tiền và làng du lịch Long Ẩn. Tại đây, các sản phẩm được khai thác phục vụ khách là tham quan vườn cây ăn trái quanh vùng; trải nghiệm leo dừa, uống nước dừa và bơi xuồng tại nhà anh Sáu Mới,…; tham quan nhà vườn anh Tám Tiến và anh Tư Mừng cùng thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước cù lao, nghỉ đêm tại các homestay, trải nghiệm sản phẩm cùng gói bánh dân gian với người dân và thưởng thức bánh nóng tại chỗ, hay đến thăm nhà chú Chín Sáng nghe kể chuyện về lịch sử vùng đất Cù Lao Dung...

    Riêng tại khu du lịch Farmstay Sân Tiên, xã An Thạnh Nam cung cấp dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, đàn ca tài tử… Đây là địa điểm thú vị cho các đoàn khách du lịch thích trải nghiệm, tận hưởng không gian thiên nhiên như: Đi cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, bắt vọp, câu cua biển, thưởng thức dừa nước mật ong, trực tiếp nướng vọp, sam, đạp xe đạp tham quan bãi cá thòi lòi; ở khu vực bãi bồi cung cấp dịch vụ tắm bùn thiên nhiên, trải nghiệm trò chơi dân gian “ném bùn - đạp mong”… Tại bãi nuôi nghêu với khoảng 20 ha, cung cấp dịch vụ cào nghêu, bắt nghêu cho khách du lịch. Dịch vụ thu hút khách nhiều nhất là đi thuyền ra cửa biển câu cá út, dùng cơm trên thuyền kết hợp đờn ca tài tử là sự trải nghiệm ấn tượng được nhiều du khách quan tâm nhất.

    Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, ngành địa phương khảo sát đầu tư nâng cấp đường bê tông, đường dẫn bến thuyền, cầu lên xuống kênh rạch ở xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Nam; khảo sát công tác triển khai xây dựng, sửa chữa, mở rộng phát triển mô hình du lịch cộng đồng của các hộ dân trên địa bàn xã An Thạnh Nhất với tổng diện tích 7,65 ha và các hộ dân tại xã An Thạnh Nam, với tổng kinh phí 767.069.578 triệu đồng (theo Quyết định số 3310/QĐ-UBND ngày 15-11-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng). Sở đã đầu tư xây dựng 02 bến đò tại xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Nam; 01 bến đỗ xe tại xã An Thạnh Nhất; hỗ trợ 02 tấm pin năng lượng, 05 chiếc xuồng composit; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng 02 nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch trị giá trên 60 triệu đồng.

    Ngoài ra, huyện còn triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý bền vững tài nguyên rừng ngập mặn và sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu ở An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung” do tổ chức Bánh mì thế giới tài trợ giúp các hộ dân ven biển phát triển kinh tế gia đình, tham gia một số dịch vụ du lịch gắn với lợi thế tự nhiên của địa phương.

    Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các công trình trọng điểm, các tuyến giao thông chính, hạ tầng đô thị và nông thôn; đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hoá, đảm bảo 100% các tuyến đường ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường trục ấp và đường liên ấp được cứng hoá, đảm bảo 80,91% các tuyến, ô tô đi lại thuận tiện. Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh trong đô thị được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt là các đơn vị nhận thầu đang triển khai thi công công trình mở rộng Tỉnh lộ 933B dài 22,23 km và xây mới 09 cầu trên tuyến, góp phần quan trọng trong việc đón tiếp du khách về với huyện đảo. Quan trọng hơn nữa là khi cầu Đại Ngãi được khởi công và hoàn thành bắc qua sông Hậu nối liền 2 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng, có nhánh cầu rẽ về Cù Lao Dung từ đầu cồn sẽ mang đến cơ hội lớn cho huyện đảo phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, thương mại và du lịch.

    Riêng nội dung danh mục ưu tiên thu hút đầu tư, giai đoạn 2017 - 2020, huyện được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt 19 dự án, trong này có 03 dự án thuộc lĩnh vực du lịch gồm: Khu sinh thái rừng ngập mặn ven biển với quy mô 250 ha; khu du lịch hoặc sản xuất giống cây ăn trái đặc sản với quy mô 1,2 ha; khu du lịch sinh thái Đảo khỉ với quy mô 30 ha.


Khách du lịch nghe chú Chín Sáng kể chuyện về Cù Lao Dung.

 

    Huyện đã tăng cường xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Kết quả, có 02 mặt hàng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể (trái cây Cù Lao Dung và xoài An Thạnh Nhất), 01 sản phẩm - tôm một gió được xếp hạng 4 sao. Các sản phẩm này đã trở thành món quà không thể thiếu cho khách du lịch mang về làm quà tặng cho người thân sau mỗi chuyến tham quan tại cù lao.

    Nhìn chung, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Cù Lao Dung đang từng bước hướng tới trở thành huyện đảo xanh, phát triển mạnh mẽ về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, cũng như đáp ứng điều kiện kêu gọi đầu tư về kết cấu hạ tầng, thương mại - dịch vụ, tăng cường liên kết hợp tác khai thác và xuất khẩu các sản phẩm nông sản đảm bảo tiêu chuẩn cho người tiêu dùng. Huyện cũng đang tiếp tục nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu các khu vực và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, kết hợp phát triển các dịch vụ cho loại hình du lịch xanh

Lý Thị Phương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 96
  • Hôm nay: 7857
  • Trong tuần: 78,564
  • Tất cả: 11,801,884